Giới thiệu miếu thờ Bà Tổ Cô Kim Đồng Ngọc Nữ ở Đô Lương
Quá trình tìm thấy miếu thờ ghi theo lời kể của cô Lâm là con gái họ Nguyễn Sỹ thuộc chi Thị trấn Đô Lương.
Tháng 4 năm 1986 trong một lần đi công tác qua huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (Hà Trung, Thanh Hóa là quê gốc của dòng họ chúng ta), cô Lâm đang vào nghỉ mát dưới một gốc cây thì gặp một bà lão đến chỉ vào cô và nói đại ý là: họ nhà cô có ngôi miếu cạnh bờ sông Lam thờ tam vị Tổ sao cô không về hương khói để được phù hộ. Tam vị Tổ này đã phù hộ cho rất nhiều người tai qua nạn khỏi.
Ngôi miếu này thờ tam vị Tổ là:
1) Tổ Cô Kim Đồng Ngọc Nữ gia phong Chúa thiên công chúa húy (Thị Tuân) nguyễn quý nương chí phúc tôn thần ngọc bệ hạ. Là bà tổ đời thứ 7 (tính từ ông Nguyễn Uyên) thuộc chi thị trấn Đô Lương.
2) Anh của Bà Tổ cô Kim Đồng Ngọc Nữ là tổ thúc Văn Học Tinh Thông tặng phong vị linh thần Nguyễn quý công húy (Sỹ Dục) cũng được thờ tại ngôi miếu này.
3) Và bà Tổ cô Nguyễn Thị Sấn thuộc chi Văn Sơn, sắc phong Diệu Hồng Công chúa (theo gia phả, Tổ cô Nguyễn Thị Sấn thuộc đời thứ 7 tính từ ông Tổ Nguyễn Uyên)
Sau khi nghe bà lão nói vậy, cô Lâm đã về quê hỏi ông Nguyễn Sỹ Giáp là tộc trưởng chi Thị trấn Đô Lương bấy giờ, ông Giáp cùng cô Lâm và ông Bích cũng là người trong chi đã đi tìm và phát hiện ngôi miếu ngay trước vườn nhà ông Nguyễn Sỹ An (ở thị trấn Đô Lương). Ngôi miếu cạnh bờ sông Lam bây giờ đang bị cây cối rậm rạp che kín, xung quanh là bùn lầy (vì vùng này thường bị ngập nước trong mỗi mùa lũ lụt), không ai hương khói.
Sau đó ông Giáp cùng cô Lâm, ông Bích và ông An đã phát dọn cây cối, bùn đất và bắt đầu hương khói thường xuyên. Ông Nguyễn Sỹ Giáp là người trực tiếp trông nom chăm sóc, hương khói và làm lễ xin ban phúc lộc cho con cháu. Ngôi miếu sau đó được con cháu đóng góp tiền của công sức tôn tạo và xây dựng ngày càng thêm to đẹp hơn.
Hàng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch là ngày tế Bà Tổ cô là lễ Khai khoán, cầu yên cho con cháu, và ngày 21 tháng 8 là ngày giổ tam vị Tổ. Vào những ngày này con cháu từ khắp mọi miền cùng về thành kính dự lễ.
Lúc ông Nguyễn Sỹ Giáp đang còn sống trông coi ngôi miếu, Bà Tổ cô Kim Đồng Ngọc Nữ thường hiển linh nhập vào một số con cháu (ông Giáp, ông Dần…) để chỉ bảo cho con cháu. Nhưng từ khi ông Giáp qua đời thì không còn thấy Bà nhập vào con cháu nữa.
Theo lời kể của các cụ cao niên và qua quan sát thực tế thì từ khi ngôi miếu được con cháu tìm thấy và chăm sóc thì đoạn bờ sông Lam phía trước ngôi miếu trước đây bị lở sâu vào bờ thì hàng năm đã được bồi đắp và dòng sông đang ngày càng lùi xa ngôi miếu.
Một sự trùng lặp là cũng như ông Nguyễn Sỹ Thành được giao đất vườn một cách ngẫu nhiên, khi nhận khu vườn đã có ngôi mộ của Ông Tổ Nguyễn Sỹ Vọng, mộ của Bà Tổ cô Kim Đồng Ngọc Nữ và mộ anh của Bà Tổ thúc Văn Học Tinh Thông, ông Nguyễn Sỹ An cũng ngẫu nhiên nhận đất và làm nhà ngay trước ngôi miếu này mà khi mới đến ông không nhận ra.
Sau khi ông Nguyễn Sỹ Giáp qua đời, sau một thời gian dài, sau nhiều lần thỉnh cầu tam vị Tổ mới cho phép ông Nguyễn Sỹ An trông coi ngôi miếu.
Có nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của tam vị Tổ và ngôi miếu, những câu chuyện này được những vị cao niên hiện đang còn sống chứng kiến và thường kể lại cho con cháu mỗi lần về dự lễ và dâng hương ở đây.
Về thông tin ngôi miếu do ai lập, được lập từ khi nào và trong hoàn cảnh nào thì cho đến nay vẫn chưa được biết.
Thông tin và tư liệu về tam vị Tổ và ngôi miếu sẽ tiếp tục được sưu tập và cập nhật lên trang web trong thời gian tới.

Ảnh: Lễ tế bà Tổ Cô trước đây khi ông Nguyễn Sỹ Giáp trông coi miếu thờ

Ảnh: Ông Nguyễn Sỹ Giáp trong một buổi làm lễ tại miếu thờ
Một số hình ảnh ngôi miếu chụp năm 2010:


Ảnh: Toàn cảnh miếu thờ Bà Tổ Cô, chụp năm 2010
|