Tìm hiểu tên lót của họ - chữ Sỹ 仕
阮仕族
Nguyễn Sỹ Tộc
Rất tiếc là trong các gia phả của họ ta ngày xưa để lại không có thông tin nói về việc tổ tiên của chúng ta chọn chữ Sỹ 仕 làm tên lót cho dòng họ.
Dưới đây là các thông tin về chữ Sỹ 仕 mà người xây dựng trang web mặc dù không biết chữ Hán nhưng đã mạo muội tìm hiểu sưu tập được, để mong hiểu được phần nào mục đích, ý nghĩa và mong muốn của tổ tiên khi chọn chữ Sỹ 仕 làm tên lót cho dòng họ chúng ta. Có thể các thông tin này còn có thiếu sót, nên rất mong mọi người góp ý và bổ sung.
* * *
Theo từ điển Hán - Việt Thiều Chửu, chữ Sỹ 仕 nghĩa là "quan" hay "làm quan", nghĩa gốc là "giúp việc" cho nhà vua hoặc "giúp nước".
Chữ Sỹ 仕 gồm chữ nhân đứng 亻và chữ sỹ 士.
Trong đó, theo các tư liệu:
Chữ nhân đứng亻là một hình thức của bộ nhân 人, nghĩa là người.
Chữ sỹ 士 gồm chữ nhất 一 phía dưới chỉ người đứng đầu trong Sỹ – Nông - Công - Thương và chữ thập 十 gồm nét sổ ngang tuợng trưng trục hoành (tứ phương tám hướng), sổ dọc là trục tung, ý nói sỹ là người học rộng hiểu nhiều mọi chuyện trong trời đất (trên thông thiên văn, dưới thạo địa lý), hiểu biết sự vận hành trong vũ trụ…
Chữ sỹ 士 còn có nghĩa chỉ những người nghiên cứu học vấn. Gồm nhất 一 là một và thập 十 là mười, hàm ý kẻ sỹ gánh vác được nhiều việc nên một người quý bằng mười người; hoặc là người học thức từ một việc biết suy ra mười, lại biết hợp mười việc làm một mối.
Chữ sỹ 士, nét ngang đầu tiên là để khẳng định sỹ là đẳng cấp thứ nhất trong xã hội. Sỹ phải đứng mình trong trời đất; phải luôn luôn học hỏi để biết đủ cả bốn phương, tám hướng; học giả Vương Sung đời Hán đã từng nói: “Cố trí năng chi sỹ, bất học bất thành, bất vấn bất tri” (kẻ sỹ có trí tuệ, có năng lực, không học không thành, không hỏi không biết); có nghĩa là vươn tới sự toàn vẹn, tức chữ thập. Tất nhiên không ai có thể làm được điều này vì lẽ nó khó vô cùng.
Sỹ phải coi kiến thức dài hơn, cao hơn miếng cơm, tấm áo nên nét ngang trên dài hơn hẳn nét dưới. Sỹ giống như con chim bằng, sải cánh, rộng bay trong không gian, miệt mài với thời gian. Một nửa của nét ngang kết hợp với nét dọc, đó là chữ nhân 亻. Nếu không có nhân, sỹ chẳng bao giờ là sỹ cả. Chữ sỹ 士 có ba nét thôi, nhìn thì đơn giản nhưng lại khó viết vô cùng. Viết cho ngang, cho thẳng là điều ít ai làm nổi!
Xin trích một phần giới thiệu tên lót của họ ta trong cuốn gia phả Đại tôn do ông Nguyễn Sỹ Tám (tức Minh Châu) chép năm 1979:
“Từ nguồn gốc chung của dòng họ Nguyễn, đến khi phân chia thành nhiều dòng họ, mà dòng họ chúng ta là Nguyễn Sỹ, có thể tổ tiên chúng ta có nhiều người khoa bảng được học hành, hoặc là vì mục đích khuyến học trong dòng họ nên mới đặt chữ lót Sỹ.
Chữ Sỹ mang nhiều ý nghĩa sâu xa và là nguồn động viên chúng ta làm thế nào cho xứng đáng với chữ Sỹ mà tâm linh tổ tiên chúng ta đã mong ước khi chọn chữ Sỹ làm chữ lót cho dòng họ Nguyễn chúng ta.
Nói về chữ Sỹ, sách xưa còn truyền lại:
Tước hiệu ngũ Sỹ cư kỳ liệt (trong ngũ tước Sỹ được liệt vào trong)
Dâu hựu tứ Sỹ vi chi tiên (Sỹ - Nông – Công – Thương Sỹ đứng đầu tiên)
Trong khoa cử mong con cháu học hành tiến bộ, tài giỏi, trước xứng danh nho sỹ trong lúc học hành, sau thành những vị khoa bảng.
Trong đạo đức mong cho con cháu trở thành những người có sỹ khí để lưu truyền muôn thuở cho dòng họ, cho đất nước.
Trong lĩnh vực văn hóa, mong cho con cháu văn hay học giỏi để sau trở thành những văn sỹ có danh vị với non sông đất nước.”
|