TỘC ƯỚC HỌ NGUYỄN SỸ CHI CÁT VĂN
A- Mở Đầu
Nhà nước ban hành hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật để điều hành, xây dựng đất nước. Các tổ chức đoàn thể có cương lĩnh điều lệ. Xưa các làng có lệ làng còn gọi là hương ước, tuy không thành văn bản nhưng đã được mọi người tôn trọng, chấp hành thực hiện.
Nội dung tộc ước này là nguyện vọng, ý chí của anh em con cháu trong họ, nhằm ngày càng xây dựng họ tộc trong sáng vững mạnh, thịnh vượng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí cao trong họ.
Việc của họ tộc không ai ra lệnh, bắt buộc hay áp đặt, làm việc cho họ là do tâm đức của mọi người, không kể công, ban ơn, đánh giá khen thưởng... được anh em con cháu trong dòng họ ghi nhận, công đức đó sẽ mãi mãi lưu truyền.
B- Nội dung
Chương I: Tôn chỉ mục đích của Tộc ước
Điều 1:
- Tộc ước này đã được bàn thống nhất và thông qua trở thành nghị quyết của dòng họ, mọi thành viên trong dòng họ tự giác thực hiện.
- Tất cả con cháu của dòng họ cùng nhau xây dựng khối đoàn kết trong họ nhằm đưa họ vững vàng phát triển về nhân khẩu cũng như kinh tế.
- Phấn đấu đạt danh hiệu Dòng họ văn hóa, nhiều gia đình văn hóa theo tiêu chuẩn nhà nước quy định.
Điều 2: Bản tộc ước này có thể được bổ sung và thay đổi để phù hợp tinh thần dân chủ của các thành viên trong họ tộc.
Chương II: Cơ cấu tổ chức Hội đồng gia tộc
Điều 3:
- Hội đồng gia tộc gồm Tộc trưởng chi, Tiểu chi, Trưởng các phái nhánh trên cơ sở là những người có năng lực, nhiệt tình, có uy tín, phẩm chất, không quá già yếu, kinh tế gia đình không quá khó khăn.
- Dựa vào cơ cấu tổ chức, sự cư trú phân tán nhiều nơi, số lượng thành viên Hội đồng gia tộc khoảng 9 đến10 người (có thể có thêm các cố vấn). Cụ thể, Hội đồng gia tộc chi Cát Văn gồm có:
1- Tộc trưởng phụ trách chung
2- Kế toán kiêm thư ký
3- Thủ quỹ
4- Trưởng các phái nhánh kiêm liên lạc, lễ nghi, gia phả, hiếu hỷ...
5- Riêng nhánh ở làng Yên Quả, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn có 2 đến 3 người trong Hội đồng gia tộc và 1 cố vấn.
* Lưu ý: Các thành viên có thể thay đổi tùy điều kiện đặc biệt sẽ được con cháu cử người thay thế.
Chương III: Vai trò chức năng của Hội đồng gia tộc
Điều 4: Chức năng vai trò các thành viên trong Hội đồng gia tộc
- Tổ chức triển khai tất cả các kỳ Tế, Lễ của dòng họ trong năm.
- Tham mưu việc xây dựng, tôn tạo từ đường, khu Mộ Tổ.
- Rà soát xem xét kỹ và chính xác, hợp lý việc biên soạn, chỉnh lý gia phả.
- Lập và bảo quản, chi chép các sổ họ như công đức, khẩu tịch...
- Tổ chức thực hiện tốt việc liên lạc, các công việc trong phái nhánh mình phụ trách như thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn, các cụ già yếu neo đơn, ma chay, hiếu hỷ, khuyến học khuyến tài của con cháu.
- Sử dụng đúng mục đích kinh phí của họ tộc theo quyết định thanh quyết toán hàng năm và công khai tài chính thu chi trước con cháu.
Điều 5: Trách nhiệm của Tộc trưởng
- Phụ trách chung và chỉ đạo các nội dung công việc liên quan trong dòng họ như xây dựng tôn tạo, liên lạc giữa các chi, nhánh nắm chính xác tình hình kinh tế, đoàn kết trong dòng họ.
- Tham khảo kỹ ý kiến con cháu, anh em đóng góp tại các kỳ họp họ.
- Gương mẫu thực hiện các nội dung nghị quyết của họ tộc đã được nhất trí thông qua.
Chương IV: Nghi thức tế lễ
Điều 6:
- Ngày 16 tháng giêng ÂL hàng năm tế Đại Tôn tại Nhà thờ Cát Văn
- Ngày 21 tháng 10 ÂL hàng năm là ngày Giỗ ông Tổ chi Cát Văn tại nhà thờ Cát Văn.
- Ngày Rằm tháng 7 ÂL là ngày Tế ông Tổ chi Cát Văn tại nhà thờ nhánh họ ở làng Yên Quả, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn.
- Các ngày mồng 1, Rằm, 30, mồng 1 Tết ÂL hàng năm các hộ gia đình biện lễ trong năm chịu nhiệm vụ quét dọn nhà thờ, thắp hương, biện lễ chu đáo. Dòng họ trích quỹ họ để động viên các hộ này.
Cần lưu ý tổ chức thắp hương ngày Giỗ ông Tổ chi Thị trấn Đô Lương vào ngày mồng 5 tháng 6 ÂL và Tế ông Tổ chi Văn Sơn vào Rằm tháng giêng tại nhà thờ chi Văn Sơn; tảo mộ dâng hương vị Thủy Tổ vào 8 giờ sáng ngày Rằm tháng giêng tại khu Mộ Tổ Cồn Am.
Điều 7: Nghi thức tế lễ
- Theo nghi thức cổ truyền trên cơ sở tinh giản bớt chi tiết rườm rà, đảm bảo đầy đủ trình tự đọc xướng, văn, dâng lễ, cụ soạn...
- Chủ tế phải là Tộc trưởng, thứ tộc
- Lễ cúng áp dụng cỗ mặn với sự đóng góp bằng tiền của các hộ con cháu để sắm lễ cúng, đảm bảo sự đoàn kết, vui vẻ.
Chương V: Văn hóa, giáo dục
Điều 8: Hồ sơ lịch sử của họ
- Gia phả cần biên soạn, theo dõi, cập nhật các biến động để có tư liệu tục biên.
- Cần lập và bảo quản tốt sổ họ theo hàng họ từng đời chính xác cụ thể.
- Thực hiện tốt việc nhập họ cho con cháu, chắt, tránh tình trạng đặt tên con cháu trùng với tên các vị Tổ tiên.
Điều 9:
- Sổ công đức của họ cần phải cập nhật đầy đủ, bảo quản và công bố trước con cháu vào kỳ tế lễ hàng năm, đi đôi với sự biến động, động viên kịp thời.
Chú ý không được bỏ sót các hạng mục quyên góp, ủng hộ bằng tiền, công, vật chất cho họ tộc.
Điều 10: Tổ chức mừng thọ cho các cụ thọ 70, 80, 90, 100 ... tuổi tại nhà thờ sau lễ tế Tổ họ có quà biếu các cụ, quà biếu được sử dụng trong quỹ công đức của họ. Cần chú trọng thường xuyên công tác khuyến học, khuyến tài của các cháu từ các bậc Tiểu học, Trung học, Cao đẳng, Đại học... Cần loại trừ kịp thời các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan…
Điều 11: Huy động quỹ họ
- Thống nhất quỹ họ do con cháu hảo tâm quyên góp, đóng góp.
- Mục đích sử dụng: Xây dựng, tôn tạo vào các nội dung liên quan đã được quán triệt trong bản tộc ước này.
- Phương án huy động: Cải tiến việc quy định đóng góp thu theo nhân khẩu từ 18 tuổi trở lên để đảm bảo sự công bằng trong họ.
- Cần chú ý phát động sự hảo tâm quyên góp của con cháu có điều kiện tiềm năng về kinh tế.
- Mức thu theo khẩu quy định từ thóc ra tiền vì họ mình chủ yếu sống về nông nghiệp. Mức quy từ 10kg, 20kg, 30kg... theo sự thống nhất bàn bạc..
Điều 12: Quản lý quỹ họ
- Mở tài khoản ngân hàng cho họ đứng tên là Tộc trưởng ủy quyền quản lý tài khoản cho kế toán, để gửi hoặc rút.
- Số lượng quỹ tồn dư có thể cho con cháu vay với lãi suất quy định để con cháu có điều kiện làm ăn, kinh doanh.
- Sử dụng quỹ đúng quy định các hạng mục đã thống nhất, các khoản chi đều có ý kiến của Hội đồng gia tộc.
- Người được cử hoặc phân công làm công việc họ như: kiến thiết tu tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho họ tộc về công buổi, vật chất..., việc hiếu hỷ cần đi lại cự ly trên 20 km trở lên được trích kinh phí quỹ họ để chu cấp tiền ăn, xăng, điện, văn phòng phẩm khác...
Điều 13: Bảo quản tài sản, văn bản của họ tộc
- Nhà thờ từ đường phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), phân công người bảo quản.
- Cần có sổ kê biên tài sản tại từ đường về nội thất như đồ tế lễ, bàn ghế, chén bát....
- Có người bảo quản các thứ văn bản như gia phả, sắc phong, sổ họ, sổ kê biên tài sản...
Chương VI. Những điều không được làm và cần làm
Điều 14: Những điều không được làm
- Không được gây bè phái trong dòng họ, chia rẽ làm mất đoàn kết trong nội tộc cũng như làng xóm. Tuyệt đối không có những cử chỉ, việc làm vô lương tâm, mất nhân phẩm, trái với đạo thường luân lý, đồi phong bại tục.
- Con cháu trong dòng họ không có người vi phạm chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, không tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện ngập… làm mất danh dự nhân phẩm của bản thân, gia đình và họ tộc, ảnh hưởng đến uy danh tổ tiên.
- Các có cháu mới sinh hoặc đến tuổi trưởng thành cần đặt tên, đổi tên, thì không được đặt tên trùng với các vị tổ tiên tiền bối của họ.
Điều 15: Những việc cần làm
- Con cháu nội, ngoại họ Nguyễn Sỹ phải luôn luôn tự giác học tập rèn luyện và công tác để phát huy truyền thống dòng họ, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác đối nội, đối ngoại. Gương mẫu trong lời nói và việc làm để cùng nhau xây dựng, gia đình và dòng họ ngày càng phát triển về mọi mặt.
- Thường xuyên nhắc nhở không để con em trong dòng họ vi phạm các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tham gia các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ.
- Mọi người trong họ phải có trách nhiệm nhắc nhở nhau, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp trong và ngoài khuôn viên nhà thờ họ, giữ gìn nếp sống văn hóa.
- Các cháu trai, gái đến tuổi trưởng thành, trước khi kết hôn, nên đến nhà thờ họ làm lễ báo cáo với tổ tiên để thể hiện tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Chương VII: Điều khoản thực hiện
Điều 16:
- Nội dung Tộc ước này được anh em con cháu bàn bạc thống nhất coi như là một thứ tài sản bằng văn bản rất dân chủ của họ tộc Nguyễn Sỹ chi Cát Văn.
- Con cháu, anh em các thế hệ trong họ, không phân biệt nam, nữ, trong ngoài nước đều có bổn phận tự giác thực hiện đầy đủ nghiêm túc các quy định trong Tộc ước này.
(Bản Tộc ước này bao gồm 7 chương và 16 điều khoản).
HỘI ĐỒNG GIA TỘC CHI CÁT VĂN.
|