Giới thiệu gia phả chi Cát Văn
Bài tựa bản gia phả họ Nguyễn Sỹ chi Cát Ngạn (Cát Văn ngày nay) biên soạn năm 1916
“Gia phả là để ghi chép các thế hệ trong họ. Họ Nguyễn Sỹ ta gia phả xưa không thấy truyền lại nên khó khảo sát được.
Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829)[1] Cao tổ Nguyễn Sỹ Lý truyền lại một bản phó ý. Đến triều Thiệu Trị lên ngôi năm đầu (tức là năm 1841 Tân Sửu) họ ta tu tạo lại mồ mả, lập đàn cầu đảo còn để lại một bản phó ý. Tiếp đến các năm Bính Dần (1866), Bính Tuất (1886) họ ta hai lần tu tiếu, lập đàn cầu đảo lại để lại hai bản phó ý.
Xem thế biết tiên tổ ta tuy không lập gia phả nhưng luôn luôn để tâm đến các bản phó ý. Nay ta trộm nghĩ rằng: Người ta sinh ra là nhờ có tổ. Ở đời phàm đã có tai mắt há chẳng nhớ đến người đã sinh ra từ nguồn gốc hay sao?
Theo trong các bản phó ý thì vị tiền tổ của chúng ta là Nguyễn Tuấn Cường tôn linh. Tương truyền rằng thời Lê – Trịnh có ngài Phượng Quận công sinh ra ngài Nguyễn Thành và Nguyễn Chung. Nguyễn Thành sinh ra Nguyễn Kim, Nguyễn Nay.
Nguyễn Chung lấy vợ là bà Trịnh Thị Huyền sinh ra trai gái 10 người. Con của Nguyễn Chung là Nguyễn Tú bị Trịnh Kiểm ức hiếp nên chống lại.
Con Nguyễn Tú là Nguyễn Sỹ Uyên vốn gốc người Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa) ở Tống Sơn, Gia Miêu, lấy vợ là bà Hồ Thị Chiêu sinh được 3 người con trai. Gặp loạn họ Trịnh ba anh em đi vào đất Hoan Châu (tức là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
Ông trưởng là Nguyễn Tuấn Cường đến ở lại đất Thổ Sơn, Cát Ngạn, Thanh Chương. Ông thứ hai là Nguyễn Sỹ Vọng đến ở lại thôn Cẩm Ngọc, Anh Sơn. Ông thứ ba là Nguyễn Sỹ Lâu ở lại thôn Yên Tứ, Diêm Tràng, Anh Sơn.
Nay tính từ ngài tiền tổ đến ta là 14 đời, con cháu đông đúc, cơ hồ thành làng xã, có thể chép thành gia phả. Bản thân ta tài ít học cạn, tự thẹn không làm rạng rỡ được thế gia. Nhưng đã là một kẻ làm trai thì thường ngày vẫn có chí nhớ đến nguồn gốc tiên tổ như cây có cội, nước có nguồn nên không tự lượng sức mình mà đem bốn bản phó ý trích chép lại các thế hệ con cháu theo từng chi phái, cùng phần mộ và ngày húy kỵ (ngày giỗ) để truyền lại về sau lâu dài, không bị mất mát. Đó là nguyện vọng của ta vậy”.
[1] Bản gia phả năm 1990 ghi “Năm Minh Mệnh thứ 10 (Mậu Tý)”, có thể lúc đó là đầu năm dương lịch 1829 nhưng năm âm lịch vẫn còn là năm 1828 (năm Mậu Tý).
Bài tự này chép trong gia phả Họ Nguyễn Sỹ chi Cát Ngạn (Cát Văn, Thanh Chương ngày nay) bằng chữ Hán do cháu xa đời là Nguyễn Sỹ Tuấn (Nguyễn Sỹ Tướn, nhân dân thường gọi là thầy Học Đệ) chép lại ngày rằm tháng 11 năm Bính Thìn, triều Khải Định năm đầu (tức là năm 1916). Ông Nguyễn Sỹ Cẩn (chi thị trấn Đô Lương) đã dịch toàn bộ bản gia phả và bài tựa này (dịch xong ngày 4/12/1993).
Biên soạn gia phổ bằng chữ quốc ngữ:
Họ đã thành lập ban tìm kiếm tra cứu gia phổ gồm:
1- Ông Nguyễn Sỹ Vơn
2- Ông Nguyễn Sỹ Trí (Thu)
3- Ông Nguyễn Sỹ Liễn
4- Ông Nguyễn Sỹ Trực
5- Ông Nguyễn Sỹ Ngoãn – Thư ký.
Sau khi tìm hiểu, tra cứu các bản phó ý. Nhiều lần họp họ cả ba cửa (chi): Cát Ngạn (nay là Cát Văn), Liên Sơn (nay là thị trấn Đô Lương), Văn Sơn. Với lòng quyết tâm của ban kiến thiết và ban tra cứu gia phổ đã mạnh dạn đề xuất trước họ nhiều lần. Vì lòng biết ơn đối với các tiên linh, và vì con cháu mai sau, họ đã biên soạn lại gia phổ bằng chữ quốc ngữ…
Trong khi viết quyển gia phổ này có các vị sau đây tham gia góp ý kiến thêm:
- Cửa trưởng có ông Nguyễn Sỹ Ân
- Cửa thứ 2 có ông Nguyễn Sỹ Lý
- Cửa thứ 3 có ông Nguyễn Sỹ Văn
Quá trình viết cuốn gia phổ này có tra cứu các bản phó ý và nhiều lần họp họ cả ba cửa: Cát Ngạn, Liên Sơn, Văn Sơn
Gia phổ chép xong ngày 20 tháng 10 năm 1990 (năm Canh Ngọ)
Người tra cứu, sắp xếp và chép lại: Ông Nguyễn Sỹ Ngoãn
Chịu trách nhiệm bảo quản gia phổ: Ông Nguyễn Sỹ Tiu – Trưởng tộc.
|