Giới thiệu gia phả nhánh Hùng Tiến, Nam Đàn
(trích trong cuốn “Lịch sử họ Nguyễn Sỹ tại làng Yên Quả, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn”)
Lời người biên soạn
Gia phả là từ nói gọn lịch sử của một gia đình lớn nhiều thế hệ, trải dài hàng thế kỷ. Bản thân tôi được ban đại diện của dòng họ Nguyễn Sỹ, tín nhiệm giao cho biên soạn gia phả là một vinh dự, tự hào để tự tin mà làm cho tốt. Mặc dầu vẫn biết không đơn giản chút nào, trước khi vào việc xin có vài dòng tâm sự:Gia phả là từ nói gọn lịch sử của một gia đình lớn nhiều thế hệ, trải dài hàng thế kỷ. Bản thân tôi được ban đại diện của dòng họ Nguyễn Sỹ, tín nhiệm giao cho biên soạn gia phả là một vinh dự, tự hào để tự tin mà làm cho tốt. Mặc dầu vẫn biết không đơn giản chút nào, trước khi vào việc xin có vài dòng tâm sự:
Trước hết đây không phải là sáng tác nên không thể gọi là viết gia phả, gọi là biên soạn những tư liệu đã có, đang có, đã xảy ra, đang xảy ra trong gia đình lớn của ta theo thời gian, theo thế hệ.
Xin được nói phần “Biên”: Là biên dịch (nếu là chữ Hán) biên chép các thông tin từ gia phả trước liền kề - Biên lại những thông tin các bậc cao niên truyền khẩu qua nhiều đời cho con cháu, có kiểm chứng và có độ chính xác cao. Những chi tiết trước không chính xác, không đúng sự thực phải được chỉnh sửa, còn thiếu phải cố gắng bổ sung. Ví dụ: Hầu hết con cháu chỉ nhớ ngày giổ ông bà, cha mẹ (Vì lặp lại hàng năm), còn năm sinh, năm mất, tuổi thọ chỉ có vài mươi phần trăm con cháu có biết (đôi khi cũng mơ hồ) sẽ cố gắng bổ sung thiếu sót đó. Rồi thì tên con trai viết trước, con gái viết sau không kế thứ tự tuổi tác. Các bà vợ không còn tên cúng cơm, chỉ có các tên là tên chồng hoặc tên con. Việc chỉnh sửa quả là gian nan …
Còn phần “Soạn” là các thông tin diễn biến đã xảy ra gần đây, đang xảy ra. Gia phả của chúng ta phần này chủ yếu là từ đời thứ 8 đến đời thứ 12, tập trung vào những cái khó sau:
- Địa bàn cư trú rải rác khắp các vùng miền trong cả nước.
- Một bộ phận anh em, con cháu không quan tâm, thiếu hợp tác. Lo làm ăn kiếm sống nên không nhớ ngày tháng năm sinh của con cháu nhất là các cháu mất lúc chưa trưởng thành, có trường hợp quá đông con không nhớ nổi đứa nào trước, đứa nào sau. Cá biệt trường hợp muốn phủ định sự thật mà nguyên tắc cơ bản của lịch sử là trung thực với sự kiện.
Không điều chỉnh sửa sang vì bất kỳ lý do nào làm sai lệch sự thật. Cũng nói luôn gia phả là lịch sử của dòng họ cho nên trong gia phả không có tính chính trị (như lịch sử đất nước). Do vậy gia phả này không có đảng phái, đoàn hội, tôn giáo, chức vụ, địa vị xã hội. Đơn thuần là tập hợp những người chung cội nguồn, huyết thống theo thế thứ như tổ tiên, ông cha đã định đoạt, đã sinh ra.
Gia phả trân trọng ghi danh:
- Những người con của dòng họ đã hy sinh cho dân tộc, cho đất nước, đó là liệt sĩ, thương binh, người có công từ trước tới nay.
- Các thế hệ con cháu đã vượt nghèo khó để học hành, thi cử đổ đạt các loại bằng cấp, có công ăn việc làm.
- Các gia đình đã thành công trong nuôi, dạy con cái ngoan hiền, hiếu thuận, con ngoan trò giỏi.
- Những người đã có nhiều công sức phục hồi lại các hoạt động thờ cúng tâm linh cho cả họ, có nhiều công sức trong tổ chức, vận động và đóng góp để làm nhà thờ có được như hôm nay.
- Trong quá trình biên soạn đôi chỗ tôi có dừng lại với vài câu bình ngắn như một tâm sự của riêng mình, như tự nói với mình (xin hiểu cho như vậy). Đó có thể là sự ngậm ngùi chia sẻ với một người cha có hai con trai liệt sĩ đang có nguy cơ không người nối dõi, mà trước lúc “đi xa” theo tổ tiên ông đã yên lòng với điều ông đang tâm niệm. Đó có thể là niềm vui và có cả sự biết ơn ai đó đang lặng lẽ chăm sóc sự thờ cúng, cầu mong cho sự thịnh vượng của cả họ.
Sau cùng tôi nghĩ rằng khi tập lịch sử họ ta đến tay các bậc anh em con cháu sẽ có nhiều thắc mắc, xin sẵn sàng mở lòng đón nhận những phê bình, góp ý để điều gì có thể khắc phục được sẽ nhanh chóng thực hiện kịp thời.
Nhân đây xin bày tỏ lòng biết ơn những ai đã giúp đỡ tôi trong công việc này. Bởi không được ủng hộ thì không ai có thể làm được, vì nó liên quan đến mọi gia đình, mỗi con người trong họ.
Cuối cùng xin có lời chào đoàn kết yêu thương, ruột thịt gửi đến toàn thể anh em, con cháu.
|
Vinh, ngày 10 tháng 8 năm 2011 (ngày 11 tháng 7 Tân Mão)
Trân trọng kính chào, cảm ơn!
Nguyễn Sỹ Bưởi
|
* * *
Quá trình biên soạn gia phả
Lần thứ nhất
Ghi ngày 15 tháng 12 năm 1942 (rằm tháng chạp là ngày tế họ hàng năm từ năm 1945 trở về trước). Tác giả là ông Nguyễn Sỹ Song (1908-1984), viết bằng chữ Hán.
Lần thứ hai
Ghi ngày 21 tháng 10 năm 1944, tác giả là ông Nguyễn Sỹ Chuyên (1897-1982), viết bằng chữ Hán.
Hai văn tự này chỉ viết cách nhau hai năm nên nội dung gia phả gần giống nhau. Ông Chuyên biên chép lại có bổ sung chỉnh sửa bản biên soạn năm 1942 của ông Song là anh của ông.
Đây là hai văn tự còn lại không nhiều thông tin vì quá lâu lại không được bảo quản cất giữ nên mục rách gần hết.
Lần thứ ba
Ghi ngày soạn xong là ngày 08 tháng 8 năm 1992, tác giả là ông Nguyễn Sỹ Chất (1929-2005) là con trưởng ông Song, thuộc thế hệ thứ 9, viết bằng chữ Việt.
Phần “Biên” của gia phả năm 1992 được dịch từ những gì còn có từ hai quyển năm 1942 và năm 1944. Những bậc cao niên như ông Quyền, ông Thiêm Kiểm, ông Toại bổ sung thêm từ trí nhớ với các nội dung truyền ngôn, và những sự kiện được chứng kiến (Một người trong họ có thể biết những vấn đề trước mình hai đời là ông bà, cha mẹ; sau mình hai đời là con, cháu).
Phần “Soạn” là tập hợp các thông tin đương đại là tập hợp từ anh em, con cháu ở các chi, các nhóm và cũng là trí tuệ tập thể.
Lần thứ tư
Khởi soạn từ năm 2010 – là văn tự hiện hành. Người được giao thực hiện là ông Nguyễn Sỹ Bưởi (1944), thuộc thế hệ thứ 9, là con thứ của ông Nguyễn Sỹ Song.
Thông tin về ông Nguyễn Sỹ Bưởi:
Sinh ngày 02 tháng 3 năm 1944
Tốt nghiệp Đại học tháng 9 năm 1968
Nghỉ hưu tháng 10 năm 2004
Địa chỉ nhà riêng: TP Vinh, Nghệ An
|
 |
|