Giới thiệu gia phả chi thị trấn Đô Lương
(Trích trong cuốn gia phả của chi thị trấn Đô Lương)
[Để xem phả đồ và phả ký của chi, click vào liên kết này để xem (phả đồ và phả ký được nhập chung toàn họ, để xem riêng của chi thị trấn Đô Lương thì thu lại các chi, nhánh khác bằng cách clich vào dấu trừ (-) ở gốc của các chi, nhánh cần thu lại đó)].
Lời nói đầu
Người ta sinh ra ai cũng có tổ tiên. Như cây có gốc sinh ra muôn vàn cành lá, hoa quả, nước có nguồn chảy thành suối khe, sông ngòi bất tận.
Gia phả là để ghi chép nguồn gốc tổ tiên, ghi chép công đức sự nghiệp người xưa đã gây dựng nên dòng dõi họ hàng, sinh ra con cháu đời đời thừa kế truyền thống của dòng họ.
Gia phả họ Nguyễn Sỹ ta đã được cụ tổ đời thứ ba là Lôi dương đồn điền sứ Nguyễn công ghi chép để lại. Gia phả ấy viết bằng chữ Hán, ngày nay văn tự đã thay đổi , nếu không ghi chép lại bằng chữ quốc ngữ thì con cháu đọc không hiểu, khiến họ hàng ngày một xa cách.
Năm 1972 tức là năm Nhâm Tý, nhân ngày xuân tế (rằm tháng Giêng) đồng họ đề nghị giao cho chúng tôi đem gia phả bằng chữ Hán dịch ra chữ quốc ngữ để ghi lại tên tuổi, mồ mả, công đức tổ tiên ngày trước cùng các thế hệ các chi phái để con cháu sau này dễ tìm hiểu thế thứ họ hàng trên dưới, gần xa.
Vả lại ngày nay con cháu trong họ ngày một phân tán, người ở huyện nọ, người ở tỉnh kia, người đi xây dựng quê hương mới, người đi công tác, kẻ đi làm ăn xa cách nhau, nếu không có gia phả ghi chép phân minh thì sau này thậm chí gần nhau mà chẳng biết nhau mà chẳng biết nhau, tình thân ái ruột rà ngày một nhạt dần.
Chúng tôi tuân theo ý nguyện của đồng họ mà chép lại thành bản gia phả này bằng chữ quốc ngữ. Chúng tôi đã ghi chép theo đúng như nội dung bản gia phả chữ Hán về công đức sự nghiệp của tiền nhân, thế thứ họ hàng người đã quá cố, và ghi chép thêm các thế hệ con cháu đương thời để sau này theo đó mà bổ sung vào những thế hệ mới.
Tưởng nhớ tổ tiên ta bao đời kế tiếp tạo lập nên dòng họ ta thành một dòng họ có truyền thống cần cù, trung hiếu, chính trực. Công đức, ân huệ ấy lớn lao biết dường nào ! Uống nước nhớ nguồn. Chúng ta ngày nay được thừa hưởng ân đức ấy phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ ngày thêm bền vững, đẹp đẽ chẳng khác gì như bồi đắp cho cội cây ngày càng thêm bền vững, cành lá hoa trái ngày càng tốt tươi.
|
Ngày 01 tháng 3 năm 1972 (ngày 15 tháng 02 năm Nhâm Tý)
Cháu chín đời (9): |
|
Nguyễn Sỹ Trân – Nguyễn Sỹ Cẩn soạn thảo
Nguyễn Sỹ Cẩn chỉnh lý lại tháng 12-1989 (tháng 12-Kỷ Tỵ) |
Bản gia phả chữ Hán của chi Liên Sơn do cụ tổ đời thứ ba là Lôi dương đồn điền sứ Sơn động công chép, chỉ ghi chép từ đời cụ tổ Nguyễn Sỹ Vọng tức là cụ tổ thứ nhất sinh ra chi Nguyễn Sỹ ở Liên Sơn. Còn trước đó thì ghi là: “Gặp thời loạn lạc gia phả bị mất nên không rõ”. Bản gia phả này nay bị mất. Nay còn lại một bản chữ Hán của chi phái ông Nguyễn Sỹ Ngân, Nguyễn Sỹ Trân của chi đệ tam. Sau đây là bản dịch “Lời tựa” của bản gia phả ấy.
Lời tựa gia phả họ Nguyễn Sỹ thôn Cẩm Ngọc, xã Đô Lương, tổng Đô Lương, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn
“Trộm nghe: Muôn vật có gốc ở Trời, người đời sinh ra có tổ. Phàm con cháu được truyền đến ngày nay là nhờ có tổ tiên, như nước chảy có nguồn, hoa trái nhờ có cây, làm con cháu há không biết tổ tiên dòng giống hay sao? Vì thế nay ghi chép lại các thế hệ gia tiên từ cụ tổ chín đời mở đầu cho dòng họ ta. Còn trước đó thì gia phả gặp thời loạn lạc bị mất nên không rõ. May còn có bản của cụ tổ bảy đời là Sơn động công ghi chép để lại. Nay đem lược kê họ, tên, tên thụy (tức là hiệu bụt) tên hiệu từ hai ông bà cụ tổ chín đời đến nay để con cháu về sau biết được các thế hệ tiên tổ: Nay tựa”.
(Chú ý: Trong gia phả này cách tính các thế hệ tính từ thế hệ người viết là đời thứ nhất trở lên đến cụ tổ đầu tiên là đời thứ chín. Trong gia phả hiện nay cách tính ngược lại: đời cụ tổ đầu tiên là đời thứ nhất sau đó kế tiếp các đời thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v.. cho đến đời hiện nay. Cách tính này tiện hơn, cứ theo các thế hệ con cháu kế tiếp mà kéo dài ra mãi. Trong gia phả trên cụ tổ thứ chín là Ngyễn Sỹ Vọng, Người lập ra chi họ Nguyễn Sỹ ở Liên Sơn, nay trong gia phả mới ta chép là cụ tổ đời thứ nhất).
Qua các tài liệu: các bản phó ý của chi Cát Văn và bản bốc văn chi Văn Tràng đều nói đến sự tích họ Nguyễn Sỹ từ ba anh em cụ tổ sinh ra ba chi Cát Ngạn, Yên Sơn, Liên Sơn (thị trấn Đô Lương hiện nay).
Còn lời tựa gia phả chi Liên Sơn thì chỉ chép là: “Từ cụ tổ thứ nhất trở về trước, gia phả vì gặp thời loạn lạc bị mất nên không rõ”. Tuy lời chép gọn nhưng có thể suy ra vài điều như sau: Đây là bản gia phả được chép sớm nhất còn lại vì trong lời tựa có chép là do “cụ tổ bảy đời là Sơn động công ghi chép để lại”.
Cụ tổ bảy đời theo cách tính từ trên xuống là cụ tổ đời thứ ba, tức là cháu nội cụ tổ thứ nhất, cụ Nguyễn Sỹ Vọng, chính phúc công. Mới đến đời cháu mà gia phả đời cố nội sinh ra ông nội phải chép là do loạn lạc bị mất không rõ. Chắc là có biết ít nhiều nhưng dấu không dám viết, bởi vì thời xưa khi dòng họ gặp tai biến như bị án tru di tam tộc hoặc bị thế lực đang nắm quyền lực đương thời chèn ép, tìm cách tiêu diệt thì con cháu phải trốn tránh, dấu tông tích, dấu gia phả thậm chí có khi phải đổi cả họ tên để bảo tồn dòng họ.
Trong lịch sử ta thời kỳ hai họ Nguyễn, Trịnh tranh chấp nhau, Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông con Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng (em Nguyễn Uông) đã phải xin vào trấn đất Thuận Hóa, thực ra là để tìm kế thoát thân.
Có thể thời gian này con cháu họ Nguyễn phải phân tán đi lánh nạn ở nhiều nơi, phải dấu tung tích không dám ghi chép sự thật về lai lịch họ mình. Trường hợp ba anh em ông Nguyễn Cường, Nguyễn Vọng, Nguyễn Lâu mang cả hài cốt của cha mẹ di cư vào đất Hoan Châu (Nghệ Tĩnh ngày nay) có thể là như vậy chăng?
(Trích trong cuốn gia phả của chi thị trấn Đô Lương)
|