Sau cách mạng tháng tám thành công (ngày 02 tháng 9 năm 1945), nhất là sau ngày toàn quốc kháng chiến (19 tháng 02 năm 1946) bùng nổ, toàn dân dốc sức lực vào kháng chiến, máy bay định luôn uy hiếp và bắn phá, bỏ bom. Chính phủ đề ra sách lược tiêu thổ và bài phong, phản đế, tiến tới thực hiện giảm tô tức, cải cách ruộng đất rồi tiến hành hợp tác hóa.
Sau lại chuyển sang chống Mỹ, ngụy nên con cháu các đại tôn Cát Ngạn, Đô Lương và Văn Tràng đều phế trệ trong việc thờ cúng, săn sóc tổ mộ và cải cách lại việc tế tự theo chủ trương của từng xã, từng huyện, thành thử hai đại tôn Cát Ngạn, Đô Lương hàng năm con cháu và đoàn đại biểu không lui tới để tế tổ và khai quang tảo mộ, và ở các đại tôn đó cúng nhập vào ngày tế tổ hàng năm của đại tôn mình vào ngày 15 tháng Giêng theo quy định của chính quyền.
Vì việc xáo trộn trong việc thờ cúng, phế trệ trong việc chăm sóc tổ mộ, thành thử phần mộ tổ chung Cồn Am Sơn Lộc bị nhân dân xung quanh khai phá để trồng khoai, sắn. Rừng trai gần 3 sào xa xưa để bảo vệ tổ mộ về phần xác mà toàn họ đã trồng nay bị chặt hết chỉ còn lại vẻn vẹn 4 cây cành xơ lá xác.
Trước cảnh đau lòng nhận thấy mộ tổ dần dà sẽ thành đám đất hoang tàn, nên đại tôn Văn Tràng đã triệu tập con cháu trong đại tôn họp bàn và đặt vấn đề trùng tu lại. Khi đã nhất trí cùng nhau trùng tu trồng cây, làm bia giới cận, khi ấy mới truy nguồn gốc mộ, người bảo thế này, người bảo thế nọ, vậy cho nên phải có gia phả để chứng minh.
Vậy cho nên việc truy tìm gia phả trong các chi phái phả tiến hành để con cháu trong họ rõ nguồn gốc. Những quyển bằng chữ Hán đều bị hủy trong biến thiên xã hội, vì con cháu ít Hán học nên không lưu ý giữ lại. Duy nhất chỉ còn quyển chuyển sang chữ quốc ngữ, đem trình bày cùng toàn họ trong ngày tảo mộ đầu xuân tại Cồn Am.
Sau đó họ nhất trí làm 4 bia đá, khắc chữ “Nguyễn Sỹ tổ mộ”, chôn xung quanh mộ để làm giới cận. Bia làm xong và chôn xung quanh mộ để làm giới cận vào ngày 15 tháng 01 năm Canh Thân (ngày 01 tháng 3 năm 1980) trong dịp họ khai quang tảo mộ và trông cây.
Vì là mộ tổ của cả ba đại tôn, nên có ý kiến cần loan báo cho hai chi Cát Ngạn và Đô Lương biết. Sau đó một số tôn trưởng trong đại tôn Văn Tràng đã cử ông Minh Châu liên lạc với đại tôn Đô Lương, trao đổi cùng bác Nguyễn Sỹ Giáp tộc trưởng đại tôn Đô Lương. Sau đó một cuộc họp sơ giao gồm ông Bường, ông Giao, ông Tuyên, ông Giáp, ông Châu đã truy cứu gia phả và ghi nhớ lại những sự kiện mà xa xưa các cụ tiền bối đã cùng nhau thực hiện, nhưng tới nay vì điều kiện xã hội, con cháu nay đã sao lãng.
Sau khi hàn ôn lại, đều nhất trí xây dựng lại tổ mộ Cồn Am Sơn Lộc. Còn việc sang Cát Văn thì đã cử ông Tuyên, trong lúc về quê ngoại ở Thanh Bài, ghé qua Cát Văn để liên hệ và bàn luận. Sau đó trong dịp giổ tổ Cát Văn ngày 21 tháng 10, đại tôn Cát Văn mời hai ông, ông Tuyên và ông Châu đại diện ban liên lạc toàn tộc sang dự ngày giổ tổ và mang gia phả sang thuyết trình để con cháu trong đại tôn biết.
Sau khi thuyết trình gia phả và ghi nhớ lại những sự kiện trước năm 1945, đã có hai vị lão thành trong đại tôn Cát Văn là cụ Nguyễn Sỹ Đoạt và cụ Nguyễn Sỹ Đệ hàng năm đại diện sang tế tổ và tảo mộ.
Hàng năm con cháu ba đại tôn tiếp tục đi khai quang tảo mộ và trồng cây như lời tiền nhân đã dặn.
Xong xuôi làm lễ dâng hương để tưởng nhớ. Trước kia có dù tréo (?) để cắm hương, nay tập trung trước bia đá xưa đã chôn (trong bia đề ở giữa: Tổ mộ bia ký; hai bên đề: Cồn Am xứ - Nguyễn Sỹ tộc) để cắm hương và làm lễ dâng hương.
Nhận thấy một họ Nguyễn Sỹ tộc gần 500 hộ, hàng ngàn nhân khẩu mà phải vạch cỏ trước bia khi cắm hương và làm lễ dâng hương, vậy cho nên ba đại tôn đề ra ý kiến cùng nhau xây một mộ đài để hàng năm con cháu, sau khi khai quang, tảo mộ trồng cây để dâng hương. Mộ đài xây dựng và khánh thành tháng 3 năm 1981.
* * *
Lời tiền nhân đã bảo:
Chuột chạy lên chốn sơn lâm
Họ ta gặp hạn nhứt tâm phải dè
Một giáp là sáu mươi năm
* Theo ông Nguyễn Sỹ Tám, lời này là của ông Đồng Phẩm khi đại diện họ ta đến hỏi ông.
Khởi đầu Giáp Tý (chuột) đến 60 là Quý Hợi (cuối), nghĩa là đầu năm cuối cùng của một giáp là họ ta có vận hạn xấu, vậy con cháu phải dè.
Đang vui vẻ an bình thì đầu năm 1983 (Quý Hợi) theo đơn xin đất của ông Quý Dương – Phó chủ tịch xã Văn Sơn, UBND xã Văn Sơn đã giải quyết cắt vùng xung quanh và cả vùng mộ tổ Cồn Am, nằm trong trong quy hoạch thổ cư của xã cho ông Quý để làm vườn ở cho con.
Dựa vào thế lực ủy ban và uy quyền làm Phó chủ tịch, ông Quý đã san phẳng một số mộ và cây cối tiếp giáp bia ký và mộ đài để trồng chè và tuyên bố theo chủ trương và chính sách mồ mả thì chỉ trừ lại cho họ 6m2 diện tích đúng ngôi mộ khi chưa có điều kiện chuyển, còn bao nhiêu thì khai phá làm vườn, làm nhà.
Trước tình thế khẩn cấp, họ ba đại tôn họp lại làm đơn kiến nghị UBND và đảng ủy Văn Sơn, mộ tổ Cồn Am táng đã gần 400 năm, lại chôn bằng, không biết đích xác ở đâu mà bốc, vả lại, nếu xã lấy làm công trình công cộng hoặc công trình gì cần thiết không có thể tránh được để xã sử dụng, trái lại, đây chỉ làm vườn ở cho cá nhân.
Vậy kiến nghị UBND lấy chỗ đất đổi cho họ để chuyển cho người xin đất để làm vườn theo đơn kiến nghị ngày 30 tháng 4 năm 1983 (ngày 18 tháng 3 năm Quý Hợi).
Sau một thời gian kiến nghị UBND và đảng ủy xã Văn Sơn ra quyết định giải quyết cho họ Nguyễn Sỹ diện tích 352m2 (chiều dài 22m, chiều rộng 16m). Quyết định ký ngày 09 tháng 02 năm 1984 (ngày 08 tháng 01 năm Giáp Tý).
Dựa vào quyền lực nên khi đo đất, ông Quý đã lãnh đạo ban đo đạc đo xếp vào một phía đúng theo diện tích 352m2 để phía ngoài ông làm vườn cho liền khoảnh và thuận tiện.
Riêng phía họ, vì xin đất mộ tổ thấy việc làm không được công minh, vậy đề nghị UBND cho đúng chỗ mà mộ tổ Cồn Am tọa lạc để giữ gìn di tích, chứ họ không xin đất sản xuất để mà cho chỗ nào cũng được, mặc dù đúng diện tích 352m2.
Sau đó đại diện UBND, ông Trần Đức Nguyên (Ngoạn) có trả lời, họ xem mộ tổ họ chỗ nào thì khoanh vùng cho đúng như diện tích 352m2 mà UBND đã quy định trong quyết định.
Họ căn cứ vào bia ký xa xưa làm mốc trung tâm để khoanh vùng, vậy nên một số cây chè của ông Quý bị phá và chuyển sang chỗ khác để trồng. Họ và ông Quý đã có lời đi tiếng lại, nhưng sau cũng dàn xếp ổn thỏa.
Sau này làm vườn ở không thuận lợi lại phân thành nhiều mảnh con, gia đình lại gặp nhiều sự không hay, ông Quý lại không trúng ủy ban xã nữa, nên ông đã xin mảnh khác để làm vườn cho con.
Châu đã về Hợp Phố - Đất mộ tổ lại về mộ tổ họ như xưa. Về phần xác đã ổn định và vĩnh viễn. Hằng năm, con cháu đúng ngày 15 tháng Giêng làm lễ khai quang tảo mộ, trồng cây như xưa.
Ban gia tộc liền vào Bài Sơn liên hệ cùng bác Nguyễn Sỹ Niệm, hậu duệ của chi họ Đô Lương tìm một số cây thông về trồng. Bác Niệm và con cháu đã xung phong mang ra 50 cây để trồng. Hiện nay còn lại chừng mươi lăm cây.
Vì mộ tổ xung quanh trống trải nên trâu bò vào phá phách và trẻ em vào bẻ cây. Để bảo vệ tổ mộ và cây cối đã trồng, ba chi Cát Văn, Đô Lương và Văn Tràng thảo luận và nhất trí xây vòng xung quanh theo giới cận bốn bia. Vì công trình quá tốn kém nên chỉ xây xong được phần móng và cao thêm chừng 1m.
Kế hoạch sẽ xây tiếp, nhưng gặp lúc các chi, các đại tôn, các phái đều xây dựng nhà thờ, mồ mả nên đành phải gác lại việc xây thêm. Sau đó các bác hưu trí ở ở Hà Nội hậu duệ của chi họ Đô Lương về hành hương thấy cảnh mộ tổ cồn Am Sơn lộc:
Trai già, thông yếu thơ thớt mọc
Móng lở, tường xiêu loang lổ xây
Nên đã cùng nhau xung phong được 2.400.000 gửi về và giao cho Ban mới là bác An, anh Xuân và bác Vinh xây mặt trước gồm: Tắc môn, cột quyết, tường bao vào năm 1990. Việc đề ra xây dựng phần còn lại, vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được.
Năm 2003 họ đại tôn Cát Văn hoàn thành xây dựng xong Thượng đường, hai họ Đô Lương và Văn Tràng được bình bầu là họ văn hóa cấp huyện.
Trước những sự kiện lịch sử đó, con cháu ba đại tôn trong họ Nguyễn Sỹ Cát – Đô – Văn đã họp bàn và tiếp tục xây dựng phần còn dở dang và đã hoàn thành vào ngày 28 tháng 11 năm Quý Mùi (21 tháng 12 năm 2003).
Tự hào thay tổ mộ Cồn Am.
Cồn Am sơn hùng vĩ nguy nga
Tổ mộ Nguyễn Sỹ của chúng ta
Rồng uốn khúc xung quanh bay lượn
Hổ vươn mình trước mặt nằm chầu
Cao sơn sinh giòng giống đông đúc
Thâm thủy nên con cháu trùng khai
Mạch đất tô bồi nên phú quý
Con cháu ba chi đều vinh hoa.
Minh Châu.
(Trích trong gia phả Đại tôn http://nguyensycatdovan.org/xem_noidung.aspx?id=6)
|