Mùa xuân và thiếu nữ là đề tài quen thuộc của thi ca và hội họa. Đặc biệt bài "Tức cảnh ngày xuân" (Xuân nhật tức sự) lại là sáng tác của nhà sư Huyền Quang, một bậc cao tăng được suy tôn là vị tổ thứ ba phái Yên Tử đời Trần:
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả thương vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì!
Dịch nghĩa: Đường kim bỗng chậm lại trên tay cô nàng xinh đẹp mười sáu xuân xanh/ Mấy chú oanh vàng thỏ thẻ dưới lùm hoa tử kinh/ Thương quá đi bao nỗi lòng thương xuân vô hạn/ Đang trút cả vào giây phút ngừng kim và không nói năng. (Thơ văn Lý Trần, tập I - Nxb KHXH, Hà Nội, 1977)
Mùa xuân là mùa của sự sống sinh sôi nảy nở của muôn vật, muôn loài, là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, ước mơ và hy vọng... Xưa nay đã có biết bao giai phẩm, danh họa về xuân cảnh, xuân tâm, tình xuân, ý xuân cất lên lời ca yêu đời, yêu cuộc sống của tuổi xuân xanh. Thế nhưng lặn vào sâu thẳm của tâm hồn người nghệ sĩ lại có những cảm xúc nhân văn "thương ý xuân", tiếc cảnh xuân để rồi xuân đi, tuổi xuân trôi qua không trở lại. Trong âm thanh rộn rã vui mừng của ngày xuân đã có ấp ủ mầm thương nhớ, ý thương xuân!
Hình ảnh nổi bật trong bài "Tức cảnh ngày xuân" của nhà sư là hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp ở tuổi mười sáu xuân xanh trong một ngày xuân đang ngồi thêu, có tiếng thỏ thẻ của chim hoàng ly dưới hoa tử kinh, bỗng đường kim chậm lại. Bao nỗi xúc cảm thương xuân, tiếc xuân tràn dâng lên trong tâm hồn thiếu nữ làm cho đường kim dừng lại, và thiếu nữ không nói năng gì! Một giây phút tĩnh lặng, im phắc tưởng chừng như thời gian đang ngưng lại để níu giữ lại mùa xuân, tuổi xuân khỏi trôi qua. Lắng đọng nhất của cảm xúc thơ không phải ở ngôn từ mà là ở sự tĩnh lặng, im phắc, không nói năng, không hành động gì.
Tất cả cảm xúc đều trút hết vào giây phút tĩnh lặng. Tác giả bài thơ với tâm hồn nhạy cảm đã chớp được một thoáng "thương xuân ý" đang tràn ngập tâm hồn thiếu nữ. Có bạn sẽ nghĩ: Tại sao một nhà tu hành "đạo cao pháp trọng" mà lại có thơ tình đằm thắm đến thế? Có ý kiến cho rằng "ý chừng dạo này ngài còn trẻ tuổi", nhưng có phần chắc còn ở giáo lý Thiền tông mà ngài là một vị sư tổ.
Giáo lý Thiền tông hướng sự tu hành của đệ tử đến đích tột đỉnh là sự tĩnh lặng, trở lại với bản thể là cái trường tồn của con người và vạn vật. Cho nên sự tĩnh lặng ở đây vừa là một động thái sâu thẳm của cảm xúc "thương xuân", vừa là biểu thị sự tột cùng của đạo lý Thiền tông, thể hiện tấm lòng thương người thương đời của vị cao tăng. Bài thơ đọng lại trong tâm trí người đọc bằng một sự im lặng tuyệt đối, cái im lặng mang ý nghĩa triết lý gợi cho tâm tư người đọc suy ngẫm nghĩ đến số phận con người và cuộc sống. "Ý tại ngôn ngoại", cảm xúc dạt dào của tứ thơ đã vượt ra ngoài khuôn khổ 4 câu tứ tuyệt!
Đồng cảm với nhà thơ và nỗi lòng thương Xuân vô hạn của giai nhân, tôi tạm dịch bài thơ như sau:
Mũi chỉ giai nhân bỗng trễ tràng,
Dưới hoa thỏ thẻ tiếng oanh vàng.
Thương thay bao nỗi thương xuân ý,
Giây phút dừng kim, không nói năng!
Nguyễn Sỹ Cẩn
Tác giả: Nhà giáo Nguyễn Sỹ Cẩn, quê Đô Lương, nhiều năm giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Vinh, tác giả của nhiều bài viết, công trình về văn học Trung đại Việt Nam. Nghỉ hưu, thầy cô ra Hà Nội ở với các con. Do tuổi cao sức yếu, ngày 10-12-2010, nhà giáo Nguyễn Sỹ Cẩn trút hơi thở cuối cùng. Bài viết trên rút trong Di cảo của thầy (BTV).
(Nguồn: Trang web thành phố Vinh: http://vinhcity.gov.vn/?detail=8900/)
|