I.Tìm hiểu về dòng họ Nguyễn
Ở Trung Quốc, họ Lý là một dòng họ lâu đời, với viễn tổ là Lý Nhị (tức Lão Tử) đã có trên 2.500 năm (có hơn 500 năm trước công nguyên), một dòng họ đã lập nên triều đại nhà Đường nổi tiếng và ngày nay hậu duệ họ Lý và các danh nhân như Lý Bằng (Trung Quốc), Lý Quang Diệu (Singapore), Lý Đăng Huy (Đài Loan) thì ở Việt Nam có họ Nguyễn cũng là một dòng họ lâu đời đã có trên 2.500 năm, có nguồn gốc từ họ Hồng Bàng từ đời các vua Hùng.
Cũng như nhiều dòng họ khác, họ Nguyễn có nguồn gốc từ bản địa Việt Nam từ lâu đời mà ngành khảo cổ Việt Nam đã dày công nghiên cứu, chứng minh và thành công to lớn để khẳng định. Đồng thời đã phủ định lập luận của một số người cho rằng họ Nguyễn có nguồn gốc từ phương Bắc đến. Cuộc hội thảo ngày 20 tháng 8 năm 1998 tại Hà Nội, 52 dòng họ Nguyễn một lần nữa đã khẳng định điều đó.
Do một số hoàn cảnh lịch sử phát triển, có một số chi vốn là dòng họ khác đổi sang họ Nguyễn như họ Trịnh khi bị thua họ Nguyễn, hoặc nhà Lê phục hưng dẹp họ Mạc, nhiều người họ Mạc lo sợ bị trả thù cũng đổi sang họ Nguyễn. Ngược lại, cũng có một số chi họ Nguyễn vì một nguyên nhân nào đó mà đổi thành họ khác như: Phạm, Thái, Võ, Dương, Hoàng, Bùi, Đỗ, Bế, … chẳng hạn như Tống Duy Tân, Trần Đăng Ninh, Hoàng Đình Rong, Hoàng Đạo Thúy mà vốn chính gốc là họ Nguyễn. Thời kỳ Bắc thuộc cũng có một số người Trung Quốc sang Việt Nam không trở về nước cũng nhập vào họ Nguyễn. Vì vậy mà có sự nhầm tưởng họ Nguyễn có nguồn gốc từ phương Bắc tới.
Viễn tổ của họ Nguyễn là Nguyễn Cao Hạnh, phụ thân của đức thánh Tản Viên Nguyễn Tuấn Công, một lạc tướng tức Sơn Tinh đã dâng núi cao đánh bại Thủy Tinh thời vua Hùng. Tuy đây là chuyện huyền thoại nhưng về con người thật thuộc dòng họ Nguyễn có từ thời ấy. Từ viễn tổ xa xưa đến thế hệ con cháu họ Nguyễn ngày nay, trải qua chiều dài lịch sử của dân tộc, họ Nguyễn có hàng trăm, hàng ngàn danh nhân văn, võ hiển hách góp trí tuệ, tài năng bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ở nước ta hiện có 54 dân tộc nhưng mới thống kê được 175 dòng họ, trong đó họ Nguyễn chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 38% dân số (miền Bắc khoảng 48%, miền Nam khoảng 27%) và họ Nguyễn có trên 50 dòng họ cụ thể khác nhau.
II. Giới thiệu về họ Nguyễn Sỹ
Đến thời điểm con cháu phát triển đông đúc, họ Nguyễn hình thành ra các chi họ như: Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Khắc, Nguyễn Đức, Nguyễn Sỹ… mỗi chi họ có một vị thủy tổ đứng đầu. Qua nhiều thế hệ các chi đó phát triển thành những dòng họ con cháu đông đúc sống khắp cả 3 miền của đất nước, một số cư trú ở nước ngoài. Họ Nguyễn Sỹ bắt đầu có từ thời kỳ này.
Họ Nguyễn Sỹ còn có tên gọi là họ Nguyễn Nhân như ở Kim Đôi, Quế Võ, Bắc Ninh vị tổ đầu tiên là Nguyễn Sỹ, các vị tổ thứ 2, 3 trở xuống là họ Nhân nên có một số dòng họ Nguyễn Sỹ cũng gọi là họ Nguyễn Nhân. Hiện ở xã Nghi Khánh, Nghi Lộc, Nghệ An có dòng họ Nguyễn Nhân, đây chính là một chi họ Nguyễn Sỹ ở Kim Đôi, Quế Võ, Bắc Ninh chuyển vào. Ở xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam họ Nguyễn Sỹ ở đây có tên gọi là họ Nguyễn Đức.
Từ thế kỷ thứ 10 trở về trước trong sử sách cũng như dưới các triều đại chỉ thấy tên danh nhân họ Nguyễn và họ khác, là thời kỳ họ Nguyễn còn chung, chưa có sự phân chia. Thế kỷ thứ 11 trở đi thấy xuất hiện ông Nguyễn Sỹ Cố - có thể đây là mốc thời gian hình thành họ Nguyễn Sỹ chúng ta và chính ông là vị thủy tổ của dòng họ Nguyễn Sỹ. Ông Nguyễn Sỹ Cố quê ở Ngư Thiên (đời nhà Lê), huyện Hưng Nhân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đời nhà Nguyễn Gia Long năm thứ 7 (1808) đổi là Hưng Nhân. Năm 1890 sát nhập vào tỉnh Thái Bình (chưa rõ tên làng xã mới).
Ông Nguyễn Sỹ Cố và ông Nguyễn Thuyên là người sáng lập ra chữ Nôm, giỏi văn chương, chữ nghĩa. Sau khi đỗ tiến sĩ ông làm quan Thiên chương các học sỹ, từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278) đến đời vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) ông làm quan Hàn lâm viện thị độc học sỹ.
Họ Nguyễn Sỹ là một dòng họ lớn, các vị tiền nhân đỗ đạt học vị cao, làm quan văn võ ở triều đình. Nếu họ Nguyễn Cảnh ở Đô Lương, Nghệ An có 16 đời tiến sĩ, họ Nguyễn Nhân ở Thanh Chương, Nghệ An có 15 đời Quận công thì họ Nguyễn Sỹ cũng có 16, 17 đời tiến sĩ. Chỉ riêng họ Nguyễn Sỹ ở làng Kim Đôi, xã Kim Châu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có 6 anh em ruột của cụ Nguyễn Sỹ Duyên đều đỗ tiến sĩ, đều làm quan cùng một triều vua. Con em, cháu chắt của cụ Duyên có tới 20 người đậu tiến sĩ, 4 người đỗ cử nhân đều là quan chức cao.Vua Trần Thánh Tông thường bảo với thị trần rằng: “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều”, nghĩa là gia thế làng Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy Triều. Đó là lời vua khen gia thế của cụ.
Dòng họ Nguyễn Sỹ ở lang Kim Đôi được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa năm 1989.
Dòng họ ở làng Kim Đôi đến nay đã có đến 23 đời, so với dòng họ Nguyễn Sỹ khác thì dòng họ ở Kim Đôi có nhiều đời hơn cả. Do đó theo phán đoán, nhận định của chúng tôi thì có thể nơi xuất tích của dòng họ Nguyễn Sỹ chính là địa danh quê hương ông Nguyễn Sỹ Cố, trước thuộc tỉnh Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Và nếu như nơi đây không có dòng họ Nguyễn Sỹ thì có khả năng là ở Kim Đôi, xã Kim Châu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Còn một địa danh nữa cũng có thể là nơi xuất tích của dòng họ là thôn Tỉnh cầu, xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ nơi này có từ đời nhà Lý (Lý Công Uẩn).
Như vậy, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình là cụm địa danh mà chúng ta cần nghiên cứu để xác định một trong ba địa phương này là nơi xuất tích của dòng họ Nguyễn Sỹ.
Chúng tôi cũng xin cung cấp thêm một hiện tượng nữa để chúng ta cùng nghiên cứu về mốc thời gian hình thành họ Nguyễn Sỹ: ở Kim Đôi cụ tổ đầu tiên là Nguyễn Sỹ Duyên, thân sinh của cụ Duyên là cụ Nguyễn Lung, ông nội cụ Duyên là cụ sư Kỳ, cố nội cụ Duyên là cụ sư Húc, cả ba người đều chưa mang họ Nguyễn Sỹ, chỉ từ cụ Nguyễn Sỹ Duyên mới mang họ Nguyễn Sỹ. Như vậy cũng có thể đây là thời điểm hình thành dòng họ Nguyễn Sỹ.
Từ nguồn gốc chung của dòng họ Nguyễn, đến khi phân chia thành nhiều dòng họ mà dòng họ chúng ta là Nguyễn Sỹ, có thể tổ tiên chúng ta có nhiều người được học hành hoặc là vì mục đích khuyến học trong dòng họ nên mới đặt là Nguyễn Sỹ để nhấn mạnh đặc điểm riêng của dòng họ là học trò.
|