Thể theo nguyện vọng của một số dòng họ, chi họ Nguyễn Sỹ ở nhiều địa phương, hơn 30 chi họ đã tự nguyện gặp nhau tại nhà thờ chi họ Nguyễn Sỹ ở làng Đỏ, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ năm 1997. Từ đó đã tổ chức thành công 2 lần gặp mặt và hội thảo. Đã thành lập ban liên lạc dòng họ và đã có một số hoạt động hữu ích trong việc thu thập, nghiên cứu, chắp nối cội nguồn truyền thống…
Nhằm đưa hoạt động vào chiều sâu và mạnh mẽ hơn, ban liên lạc sau một số cuộc họp tranh thủ ý kiến, ban liên lạc đã gửi giấy mời và gửi phát nhắn tin trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam thông báo và kính mời đại đại diện các chi họ Nguyễn Sỹ trong cả nước về dự buổi gặp mặt lần thứ 3.
Thời gian: 01 buổi, bắt đầu từ 07h30 ngày 09 tháng 01 năm 2005,
Địa điểm: Văn phòng Quốc hội, 27A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau đây là toàn văn bài diễn văn khai mạc buổi gặp mặt lần thứ 3:
Kính thưa: Các ông, bà, cô, bác, chú thuộc nhiều chi họ Nguyễn Sỹ ở nhiều địa phương về dự buổi gặp mặt hôm nay.
Trước hết nhân dịp năm mới 2005 và chuẩn bị đón xuân Ất Dậu cho phép tôi thay mặt ban tổ chức được gửi đến quý vị lời chúc mừng năm mới An Khang – Thịnh Vượng; Chúc các chi họ phồn vinh phát triển.
Dân tộc ta có truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” luôn hướng về cội nguồn, tổ tông.
Trước đây, trong điều kiện khó khăn nhưng cha ông ta đã có nhiều công sức trong việc gìn giữ cho đời sau cho con cháu hiểu và tiếp nối gốc tổ sinh thành, nhiều từ đường, lăng bia, mộ tổ, nhiều gia phả, tộc phả, nhiều sắc phong, đại tự hàng trăm năm còn được lưu giữ đến nay. Tuy vậy, vì đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều thời kỳ phân tranh, biến cố nên việc di chuyển nơi ăn ở, rời bỏ quê hương bản quán, kèm theo đó là sự thất truyền gốc cội là điều tất yếu xảy ra.
Đến nay, sau hơn 30 năm đất nước đã quy về một mối, giang sơn thống nhất. Với đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế đất nước hồi sinh, điều kiện giao lưu đã rộng mở, nhiều dòng họ đã tập hợp con cháu hướng về cội nguồn, chăm lo tu dưỡng rèn luyện để phát huy truyền thống tổ tiên, đồng thời cùng nhau tu sửa bảo trì từ đường, lăng mộ và tìm về cội nguồn.
Con cháu dòng họ Nguyễn Sỹ có truyền thống đoàn kết, hiếu thảo. Từ một gốc tổ ban đầu đã phát triển tỏa rộng ra hàng trăm, hàng ngàn nhánh ở khắp mọi vùng đất nước. Nhiều con cháu đã ra sức phấn đấu để thành đạt và làm rạng rỡ công đức tổ tiên.
Theo một số tư liệu mà chúng tôi đã tập hợp được thì:
- Dòng họ Nguyễn Sỹ có từ lâu đời (khoảng thế kỷ 10, 11 : 1000 năm) từ Thủy tổ Nguyễn Sỹ Cố.
- Hiện tại nhiều chi họ ở khắp mọi nơi nhưng tập trung nhiều một số chi họ có phả hệ lâu đời nằm ở Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định… Có chi họ còn giữ gia phả, tộc phả gốc đời thứ 1 đến nay khoảng 15 – 23 đời. Có một số chi họ đã qua các tư liệu mà tìm thêm gốc tổ và đã đến với nhau trong mối tình huyết tộc.
- Dòng họ Nguyễn Sỹ có truyền thống thông minh, trọng học vấn, thường thành đạt bằng con đường học hành khoa cử. Gốc tổ có thể là ông Nguyễn Sỹ Cố đỗ tiến sĩ làm quan Thiên Chương các học sĩ đời Lê Thánh Tông (1258 – 1278). Dòng họ Nguyễn Sỹ ở làng Kim Đôi, xã Kim Châu, Quế Võ, Bắc Ninh có 6 anh em ruột của ông Nguyễn Sỹ Duyên đều đỗ tiến sĩ, đều làm quan trong một triều vua (được cấp bằng di tích lịch sử Việt Nam năm 1989) và riêng con cháu chắt cụ Duyên đã có 20 người đỗ tiến sĩ. Nhiều dòng họ Nguyễn Sỹ khác và tư liệu để lại cũng rất thành danh trên khoa bảng.
- Dòng họ Nguyễn Sỹ có rất nhiều truyền thống tốt đẹp, yêu nước, thương dân, trọng nghĩa khí, khảng khái, cương trực. Sống ở địa phương nào thì thường được xếp vào loại vọng tộc.
- Dòng họ Nguyễn Sỹ có truyền thống cách mạng, nhiều con cháu đã tham gia các phong trào cách mạng của Đảng trở thành những cán bộ lãnh đạo, những sĩ quan quân đội, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Như đồng chí Nguyễn Sỹ Sách là bí thư xứ ủy Trung kỳ, thanh niên cách mạng đồng chí Hội, liệt sĩ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc dòng Nguyễn Sỹ xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngày 20/01/2005 tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí.
Tiếc rằng các tư liệu rãi rác, thiếu được tập hợp nên chưa phát huy hết ảnh hưởng to lớn của nó.
Với tâm tưởng kết nối thông tin, tìm gốc cội nguồn tổ, tìm những điểm tương đồng về truyền thống và hệ tộc để vun đắp cho sự phồn vinh phát triển, gần 40 chi họ Nguyễn Sỹ nhiều nơi từ Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Nội… đã tự đến với nhau và tổ chức thành công 2 lần gặp mặt và hội thảo năm 1997 và năm 2000. Lần thứ 3 này ban tổ chức muốn có cuộc hội ngộ tại thủ đô Hà Nội với thành phần đông hơn, có chuẩn bị kỹ hơn.
- Giao lưu gặp mặt của những người cùng huyết tộc, cửa chú, cửa bác, chi trên, chi dưới nhưng đều sinh ra trong một dòng tổ mà bấy lâu nay chưa có điều kiện giao lưu và tết Ất Dậu này, trên bàn thờ nghi ngút khói hương chúng ta vui mừng cẩn cáo với tổ tiên là con cháu đã tụ hội.
- Cung cấp thông tin để giúp nhau tìm nguồn tìm cội. Giúp nhau hiểu thêm truyền thống gia phong của dòng họ. Nếu có được nhiều nguồn tư liệu có giá trị khoa học và giáo dục quý giá chúng ta có thể tiến tới biên tập một cuốn tộc phả kiểu mới hay một cuốn tài liệu về dòng họ để truyền lưu cho con cháu và làm rạng rỡ ông cha.
- Thống nhất với nhau một chương trình hành động khả thi để đẩy mạnh hoạt động của chúng ta, tăng cường giao lưu và giúp nhau tìm các mối quan hệ huyết tộc.
Thay mặt ban tổ chức cho phép tôi nhiệt liệt cảm ơn và chào mừng các ông bà, bác, chú, cô… đại diện các chi họ Nguyễn Sỹ nhiều nơi, các vị đã nghỉ hưu hoặc đang cong tác tại Hà Nội và một số địa phương đã có mặt trong buổi gặp mặt hôm nay.
Xin phép khai mạc cuộc gặp mặt và một lần nữa kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc; Chúc cuộc gặp mặt thành công tổ đẹp; Chúc một năm mới an khang thịnh vượng.
|