Bài viết “Vài nét về văn hóa dòng họ Nguyễn Sỹ ở Nghệ An” của ông Nguyễn Sỹ Cẩn – Nguyên giảng viên Trường Đại học sư phạm Vinh. Bài viết là tham luận in trong cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học “Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An”, NXB Nghệ an, 1997. Hội thảo do Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Sở Khoa học công nghệ và môi trường Nghệ An, Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian (thuộc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia) cùng phối hợp tổ chức với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An.
Trong lịch sử họ Nguyễn Sỹ đã xuất hiện từ thế kỷ XIII với nhà thơ Nguyễn Sỹ Cố. Đến nay chưa rõ quê quán, năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết đời Trần Thánh Tông (1258 – 1278) ông sung chức Thiên Chương Các học sĩ, đời Trần Anh Tông (1293 – 1314) ông coi việc giảng Ngũ kinh, đời Trần Minh Tông (1314 – 1329) làm Hàn lâm viện thị dộc học sỹ.
Nguyễn Sỹ Cố là một nhà thơ Nôm có tài, đã cùng Hàn Thuyên xây dựng nền thơ Nôm đầu tiên của nước ta. Tác phẩm của ông bị mất, nay chỉ còn lại 2 bài chép trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn và trong các bản sao của “Lĩnh Nam chích quái” (Theo “Lược truyện các tác giả Việt Nam” tập I – NXB Sử học, hà Nội 1962, tr 209).
Thế kỷ XV có ông Nguyễn Sỹ Nguyên (1451 - ?) ở xã Đông Mặc, huyện Đông Ngạn (Ngàn) hay xã Hương Mặc, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, 26 tuổi đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất (1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng bảo Tự Khanh Lục Cấp sự trung (1).
Từ các ông Nguyễn Sỹ Cố, Nguyễn Sỹ Nguyên đến các chi họ Nguyễn Sỹ ở Nghệ An chưa tìm ra manh mối.
Ở Nghệ An từ thế kỷ XVI, XVII đã có nhiều chi họ Nguyễn Sỹ ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, thành phố Vinh hiện nay.
Thế kỷ XVII ở xã Mỹ Sơn, nay là xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương có ông Nguyễn Sỹ Giáo 27 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664) đời Lê Huyền Tông, làm quan đến chức Thiên Đô ngự sử (1676); thế kỷ XIX ở Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu có ông Nguyễn Sỹ Phẩm (1841 - ?) 29 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ (1869) đời Tự Đức, làm quan đến hàm Hàn lâm biên tu (2).
Theo gia phả các chi họ này thì thủy tổ các dòng họ Nguyễn Sỹ từ ngoài Bắc vào đất Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) và từ đất Ái Châu di cư vào đất Hoan Châu (Nghệ Tĩnh ngày nay) ở những thời kỳ Lê Mạc, Trịnh Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVI – XVII). Gia phả chi Cát Ngạn (Thanh Chương) chép là từ thôn Gia Miêu, huyện Tống Sơn (tức là huyện Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay), theo gia phả chi Thanh Lương (Thanh Chương) thì từ thôn Thọ Hạc, Đông Sơn, Thanh Hóa.
Các chi họ trong tỉnh ít có liên hệ với nhau trừ 3 chi (1 chi ở Cát Ngạn và 2 chi ở Đô Lương) thì gia phả chép thủy tổ 3 chi này là 3 anh em ruột, khi chạy loạn vào đất Hoan Châu mang theo cả hài cốt cha mẹ đến xã Diêm Tràng, phủ Anh Sơn (tức là 2 xã Yên Sơn, Văn Sơn, huyện Đô Lương ngày nay) tìm được động Cồn Am (nay thuộc xã Yên Sơn) là cát địa, bèn đem táng hài cốt cha mẹ ở đó và ba anh em phân tán ra ba nơi, lập ra ba chi; một chi ở thôn Thổ Sơn, xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, một chi ở thôn Yên Tứ, một chi ở thôn Cẩm Hoa Viên, đều thuộc tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là huyện Đô Lương).
Các chi họ Nguyễn Sỹ tuy ở phân tán nhưng tìm hiểu qua gia phả và qua thực tế sinh hoạt thì thấy có một số đặc điểm văn hóa giống nhau.
I. COI TRỌNG GIA GIÁO
Nhiều gia định họ Nguyễn Sỹ rất coi trọng gia giáo. Trong gia đình cha dạy con, ông dạy cháu, dạy con cháu trong họ và trong thôn xóm. Nội dung học ngoài yêu cầu cử nghiệp, điều đáng lưu ý là sự coi trọng dạy các sách gia huấn như “Trình Minh Đạo gia huấn”, “Chu Tử gia chính” (3). Mục đích các sách này dạy những điều về đôn luân (giữ gìn nhân luân), xử ký (cách ứng xử) tiếp vật (giao tiếp) hợp quần (ý thức cộng đồng).
Đặc điểm của nội dung các sách này là dạy những điều rất cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ sách “Chu Tử gia chính” dạy các điều: sái tảo, ứng đối, tiến thoái (rưới nước xuống đất rồi mới quét, cách ăn nói, thưa gửi trong giao tiếp, đi đứng tiến lui trong cử chỉ…); quần áo vá sửa xong thì đem giặt giũ (bổ xuyết ký thành tắc dụng chi tẩy cán) dạy “hạ đường tắc dương thanh” (xuống nhà dưới, vào nhà trong thì phải lên tiếng. Nhà dưới hay nhà trong là nơi ở của phụ nữ, nam ngoại nữ nội. Thầy Mạnh Tử có lần vào nhà trong thấy vợ ăn mặc xiêm y không đúng lễ, đem chuyện ấy phàn nàn với mẹ. Bà mẹ hỏi, thế khi vào nhà trong con có lên tiếng không? Mạnh Tử thưa: không. Bà mẹ liền nói. Thế là lỗi tại con chứ không phải lỗi vợ con).
Các cụ dạy con cháu trong nhà không những phải chỉ học chữ nghĩa mà còn học làm cả những việc lao động chân tay bình thường như chẻ củi, đun nước pha trà, tưới rau, đan lát những đồ tre mây như cái rổ, cái rá… Các cụ thường nhắc câu: “Nhất nghệ bất tri, nho giả sở sỉ” (Một nghề không biết, nhà nho phải lấy làm hổ thẹn). Sách “Minh Đạo huấn” dạy những điều xử thế thiết thực, có điều trở thành châm ngôn. Ví dụ:
- Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn
(Trữ thóc phòng đói, trữ áo phòng rét)
- Cận châu giả xích, cận mặc giả hắc
(Gần son thì đỏ, gần mực thì đen)…
Trong gia huấn các cụ đặc biệt nghiêm cấm con cháu không được sa vào vòng ăn chơi ca, nha, tửu, bác: “Tứ đổ tường” làm hại đến nhân cách nên đối với con nhà gia giáo là phải triệt để cấm.
Những điều gia huấn trên đây, con gái khi còn nhỏ tuổi đều được học, học truyền miệng nhiều hơn là học qua chữ nghĩa. Thường thường con gái ít được học chữ nghĩa, đến lớn tuổi thì học công, dung, ngôn, hạnh, học đạo về làm dâu nhà chồng. Đạo làm dâu là điều rất quan trọng đối với con gái nhà gia giáo, có ảnh hưởng đến danh giá của gia đình nên rất được coi trọng.
2. SỐNG CÓ ĐẠO LÝ
Các bậc tôn trưởng trong họ coi trọng việc khuyên bảo con cháu sống theo đạo lý, thường nhắc nhở con cháu không được vì tiền của, giàu sang mà bỏ đạo nghĩa. Đạo ăn ở trong gia đình, ngoài xã hội là phải biết thương yêu, kính trọng người khác, phải thật thà, có trước có sau, sống biết tự trọng không vì quyền lực danh lợi mà chịu khuất phục. Nuôi dưỡng con cái bằng cách dạy cho học chữ nghĩa, đạo lý chứ không phải lo cho có nhiều tiền của.
Di tử mãn kim doanh – Hà như giáo nhất kinh
(Để cho con vàng đầy rương – Sao bằng dạy cho con một quyển sách)
Dưỡng tử giáo độc thư – Thư trung hữu kim ngọc
(Nuôi con dạy cho biết đọc sách – Trong sách có vàng ngọc)
Trong nhà hoành phi câu đối khắc những câu sách đề cao việc học như “thi như trạch”, “ngọc vu thành”…
Về quan niệm xuất chính các cụ khuyên nên đi theo con đường giáo chức chứ không đi theo con đường chính chức. Hai nghề mà các cụ thường làm là dạy học và làm thầy thuốc chữa bệnh. Rất ít người chịu ra làm hương thân hào lý trong thôn, xã.
Chi họ ở Yên Dũng có vị đức tổ Nguyễn Đắc Nho là một người học rộng, giàu lòng nhân ái. Cụ làm nghề dạy học và cắt thuốc chữa bệnh được nhân dân trong vùng quý trọng. Cụ lại có công gây dựng và phát triển nền văn hóa của địa phương.
Trong nhà văn bia dựng ở nhà thánh thôn Yên Dũng Thượng, do tiến sĩ Mai Hiên Đậu xạ phu tử sung chức Nghệ An học chính soạn năm Tự Đức thứ 8 (1885) tháng giêng ngày 7 có chép: “… Thôn yên Dũng, huyện Chân Lộc, đất Hoan Châu là một danh ấp về khoa hoạn. Các bậc đại phu thời trước đã dựng nhà thờ tự phía Tây hương thôn, nhằm nêu cao danh vọng kẻ sĩ, giáo huấn di thường, biểu dương đức hạnh. Sau đó có vị hiệu sinh Nguyễn Đắc Nho đã noi theo phép cũ mà phát triển rộng ra. Đến nay phong hội ngày càng thịnh, nhân văn phát đạt, con đường học hành khoa cử trước sau nối nhau tiến bước…” (4) Cuối đời cụ Nguyễn Đắc Nho tu theo đạo Phật.
Sau khi cụ mất, nhân dân địa phương nhớ công ơn cụ xây dựng nền văn hóa địa phương nên đã lập miếu thờ. Triều Bảo Đại thứ 15 (tức là năm 1940) tháng 2 ngày 29 đã phong ngài làm “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”(5) giao cho dân địa phương thờ phụng.
Chi họ ở xã Liên Sơn (nay là thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương) có cụ Nguyễn Sỹ Cường, nổi tiếng học giỏi, là một trong “Anh Sơn tứ hổ”. Cụ đỗ cử nhân thứ 5 khoa Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23 (1870) làm Huấn đạo huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Cụ còn giỏi nghề thuốc, đã từng được mời vào chữa bệnh ở kinh đô.
Tính tình cương trực, làm Huấn đạo được ba tháng cụ xin về nghỉ dạy học, làm thuốc cùng con cháu trong họ cày, vỡ ruộng đất hoang trồng lúa, trồng chè… theo truyện danh nhân Nguyễn Nguyên Thành do Nguyễn Thế Bính viết trong “Danh nhân Nghệ Tĩnh” thì trong phong trào Cần Vương của tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành ở phủ Anh Sơn, cử nhân Nguyễn Sỹ Cường đảm nhận việc “Đốc vận binh lương” của nghĩa quân (6). Gia đình cụ Nguyễn Sỹ Cường là một gia đình thi lễ, sống thanh bạch, trọng việc học và đạo lý, các đời nối tiếp làm thuốc và dạy học.
Chi họ ở làng Tú Viên, tổng Xuân Lâm, nay là xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương là một chi họ có truyền thống khoa bảng. Cụ Nguyễn Sỹ Ân đỗ phó bảng khoa Giáp Thìn (1844) làm Thị giảng học sĩ. Cháu nội là Nguyễn Sỹ Giản đỗ hai khoa tú tài, gặp khi thực dân Pháp bãi bỏ Hán học, cụ làm nghề dạy học.
Đặc biệt cụ đã giáo dục đào tạo nên một người con xuất sắc là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Sỹ Sách. Ông Nguyễn Sỹ Sách sinh năm 1905, tốt nghiệp trường Quốc học Vinh năm 19 tuổi (1924), sau đó ông dạy học tại thị xã Hà Tĩnh. Được nuôi dưỡng và hun đúc trong truyền thống yêu nước của xứ Nghệ và của gia đình, ông đã bỏ dạy để hoạt động cách mạng.
Năm 1927 ông xuất dương sang Trung Quốc dự lớp luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu. Sau lớp học ông được kết nạp vào Thanh niên cộng sản đoàn và khi về nước được cử làm Bí thư Thanh niên cách mạng đồng chí hội Trung Kỳ. Ông hoạt động sôi nổi, hăng say, gan dạ.
Năm 1929 ông bị thực dân Pháp bắt, kết án chung thân khổ sai, đày đi Lao Bảo. Ở nhà lao ông lãnh đạo anh em tù chính trị đấu tranh chống sự tàn bạo của tên giám mục nên bị nó giết hại (ngày 19/12/1929) (7). Nguyễn Sỹ Sách là một chiến sĩ cộng sản kiên cường đã nêu cao gương đấu tranh hy sinh cho dân, cho nước, đồng thời ông đã làm vinh dự cho dòng họ Nguyễn Sỹ.
Ở chi họ làng Tú Viên cùng với ông Nguyễn Sỹ Sách còn có ông Nguyễn Sỹ Diệu tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội là một chiến sĩ hoạt động hăng hái, bị giặc Pháp bắt giam và hy sinh tại nhà tù Lao Bảo.
Chi họ Hưng Dũng, thành phố Vinh là một chi họ có truyền thống cách mạng. Trong phong trào 1930 – 1931 ông Nguyễn Sỹ Huyến (còn gọi là Nguyễn Ngọc Chương) tộc trưởng họ Nguyễn Sỹ đã tham gia hội cứu tế đỏ, ông đã giành nhà thờ họ cho xứ ủy Trung Kỳ làm nơi huấn luyện cán bộ và nơi in ấn tài liệu bí mật của Đảng.
Ông tổ chức và động viên con trai, con gái, con dâu trong nhà chăm sóc bảo vệ và canh gác cho cán bộ của Đảng. Gia đình ông đã được Nhà nước tặng thưởng gia đình có công với nhà nước và nhà thờ họ Nguyễn Sỹ ở Hưng Dũng đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 84 – Quyết định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du Lịch ký ngày 27/4/1990).
Tinh thần cách mạng yêu nước là một nét văn hóa truyền thống của các chi họ Nguyễn Sỹ ở Hưng Dũng và Thanh Lương.
Trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng đất nước vừa qua cũng như hiện nay con cháu họ Nguyễn Sỹ đều có người tham gia tiêu biểu như các ông Nguyễn Sỹ Quế (Bí thư tỉnh ủy Nghệ Tĩnh), Nguyễn Sỹ Hòa (Phó chủ tịch ủy ban hành chánh Nghệ tĩnh)… con cháu các chi họ có nhiều người hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục có học vị: tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư… công tác tại các cơ quan nhà nước.
Một nét đáng lưu ý ở các chi họ Nguyễn Sỹ là con cháu trong họ sống với nhau hòa thuận, biết nhường nhịn lẫn nhau, ít có xích mích, oán ghét nhau. Trong làng xóm thôn xã không vì họ hàng mà gây bè kết cánh tranh chấp quyền lợi, địa vị với các họ khác, trước cách mạng trong hội đồng tộc biểu cũng như ngày nay trong cộng đồng tập thể, trong thôn xóm hợp tác xã đều như vậy.
Trên đây là một vài nét văn hóa của dòng họ Nguyễn Sỹ ở Nghệ An. Tất nhiên bên cạnh đó còn có những mặt hạn chế. Vì thời gian ít, việc thu thập tài liệu chưa đầy đủ, bản tham luận chưa được phản ảnh đầy đủ tình hình các chi khác nhau.
Hiện nay với ý thức tìm về cội nguồn, cũng như nhiều dòng họ khác, các chi họ Nguyễn Sỹ đã trùng tu lại nhà thờ họ, phục chế và mua sắm thêm đồ tế khí: cờ trống, câu đối, hoành phi, mũ áo lễ… có chi dựng mới nhà thờ như chi Cát Ngạn, các chi Đô Lương xây bao mộ tổ, hầu hết các chi đều thành lập ban lễ nghi của họ, cùng với tộc trưởng tổ chức viết bổ sung gia phả, tổ chức việc tế lễ hàng năm vào ngày đầu xuân và ngày giổ tổ để tỏ lòng biết ơn đối với tiên tổ đã gầy dựng ra dòng họ mình, tăng cường thêm tình gia tộc, đồng thời nhắn nhủ con cháu nội ngoại trong họ làm tốt nghĩa vụ người công dân đối với đất nước.
|
Vinh, tháng 3 năm 1997
|
|
Nguyễn Sỹ Cẩn
|
(1), (2) Theo “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919” NXB Văn học, Hà Nội.
(3) “Trình Minh Đạo huấn”: sách dạy trong nhà của Trình Minh Đạo tức là Trình Hiệu; “Chu tử gia chính”: sách gia chính của Chu Tử.
(4) Nguyễn Sỹ Cẩn dịch – Văn bia này hiện vẫn còn
(5) Nguyễn Sỹ dịch – Đạo sắc này vẫn còn
(6) “Danh nhân Nghệ Tĩnh” tập 3 – NXB Nghệ Tĩnh – Vinh – 1984 – tr.111 – trong tài liệu này viết Nguyễn Sỹ Cường “người làng Xuân Như, Đặng Sơn” là không đúng. Nguyễn Sỹ Cường người làng Cẩm Ngọc, xã Đô Lương, nay là xã Đông Sơn, huyện Đô Lương (Nguyễn Sỹ Cẩn đính chính).
(7) Theo “Hồi ký của bà Nguyễn Thị Hồng”, vợ ông Nguyễn Sỹ Sách – tài liệu của Nhà bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh – “Những người cộng sản trên quê hương Nghệ Tĩnh” tập I – Ban nghiên cứu lịch sử Đảng – Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh xuất bản – 1978. “Danh nhân Nghệ Tĩnh” tập II. NXB Nghệ Tĩnh – Vinh – 1982.
|